Nhìn lại: Kinh doanh theo trend 2023 – Hốt bạc hay vỡ mộng?

dang12354

Thành viên
Tham gia
20/12/2023
Bài viết
1
Kinh doanh theo trend liệu có ngon ăn?

Kinh doanh theo trend liệu có "ngon ăn"?​
Kinh doanh theo trend trong ngành dịch vụ ăn uống có thể đem lại nguồn tiền nhanh chóng nhưng cũng đối diện với nhiều rủi ro. Hàng loạt những món ăn trào lưu, độc lạ liên tiếp xuất hiện “sớm nở tối tàn” và bài toán kinh doanh thì không hề dễ dàng với những người kinh doanh. Không khó để bắt gặp những nhà đầu tư ăn nên làm gia, hốt bạc từ việc chạy theo trend. Tuy vậy, kinh doanh theo xu hướng cũng khiến không ít người vỡ mộng, rơi vào tình hướng dở khóc dở cười. Cùng nhìn lại thị trường F&B đầy biến động trong năm 2023 trong bài viết dưới đây.

1. Kinh doanh theo trend bội thu trong thời gian ngắn​

Bánh đồng xu là món ăn vặt có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Bánh có đường kính khoảng 10cm, được tạo hình giống đồng xu 10 won (tiền Hàn Quốc), lớp vỏ được nướng vàng, bên trong là nhân phô mai có thể kéo sợi. Dù được làm từ nguyên liệu đơn giản nhưng bánh đồng xu lại tạo ra cơn sốt nhờ vẻ ngoài bắt mắt cùng vị thơm, béo ngậy của phô mai.

Sau khi du nhập vào Việt Nam, bánh đồng xu ngay lập tức trở thành hiện tượng mạng, được các bạn trẻ đua nhau thưởng thức.

Xuất hiện tại TP.HCM khoảng đầu tháng 9, bánh đồng xu nhanh chóng gây sốt với các bạn trẻ. Trên các nền tảng mảng xã hội, hàng loạt bài viết, video ngắn, review đã đẩy "độ hot" của bánh đồng xu lên cao và khiến bánh đồng xu ngay lập tức trở thành xu hướng mới trong kinh doanh dịch vụ F&B.

Đỉnh điểm vào giữa tháng 10, người ta dễ dàng bắt gặp hàng dài những người trước cửa hàng kinh doanh bánh đồng xu, mong muốn được trải nghiệm món bánh đang “hot trend” này. Nhanh chóng nắm bắt xu hướng ẩm thực mới, ngày càng nhiều cơ sở bán bánh đồng xu được mở ra.

Chị Phạm Như – một người kinh doanh bánh đồng xu tại phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ “Một ngày mình bán được tầm 1000 – 1500 chiếc. Đỉnh điểm một ngày mình bán được hơn 2000 chiếc bánh, đánh hơn 50 kí bột, nhân viên và máy móc lúc nào cũng trong trạng thái hết công suất”.

Hàng dài người xếp hàng để được trải nghiệm bánh đồng xu

Hàng dài người xếp hàng để được trải nghiệm bánh đồng xu​
Giá bán trung bình cho một chiếc bánh đồng xu là 25.000/chiếc, như vậy doanh thu bình quân một ngày chị Như lên tới hơn 35 triệu đồng. Trừ đi chi phí mặt bằng, nguyên liệu, nhân công, máy móc thì chị chia sẻ cũng bỏ túi một khoản kha khá. Nhờ kinh doanh theo trend, công việc buôn bán của chị Như diễn ra khá suôn sẻ, số tiền đầu tư ban đầu hơn 200 triệu đồng cũng chẳng mấy chốc hoàn vốn và bước vào giai đoạn sinh lời.

Hay như trường hợp của mì thanh long, vào giữa tháng 11/2023, khi câu hát viral "lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm" phủ sóng khắp nơi, cũng là lúc nhà sản xuất, đại lý kinh doanh mặt hàng mì thanh long đang nhận đơn hàng dồn dập, không kịp giao cho khách.

Nguồn gốc của "cơn sốt" mì thanh long đến từ đoạn video quảng bá sản phẩm mì tôm thanh long. Giai điệu không bắt tai nhưng dễ nhớ, cộng với sự xuất hiện của 2 linh vật "bé thanh long" đáng yêu, cách dựng video không thể "nghiệp dư" và đơn giản hơn khiến cư dân mạng ấn tượng mạnh.

Bài hát này được lan truyền khắp cõi mạng. Nhiều người cho biết họ thích vì lời ca bắt tai, dễ nghe. Một số người vì nghe quá nhiều nên thuộc luôn giai điệu bài hát, thậm chí chỉ nhìn thấy quả thanh long thôi cũng nhớ ngay đến bài hát đang viral.

Mì thanh long đang được săn đón

Mì thanh long đang được săn đón​
Mì thanh long những ngày gần đây đã tạo thành một trend mới trên thị trường, lấn át món trà chanh giã tay gây sốt mấy tuần qua. Chính vì sự "hot" của mì thanh long khiến nhiều cư dân mạng tò mò thử mua món mì này về để thưởng thức, review. Cũng chính vì thế mà ở rất nhiều shop bán món mì này đang bị quá tải đơn hàng hoặc tạm hết hàng.

Trong bài chia sẻ mới đây với báo Dân Việt, ông Lê Quang Huy - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Caty Food cho biết ông bất ngờ, thậm chí không tưởng tượng được sự lan tỏa của video mì tôm thanh long lại mạnh đến như vậy.

Ông Huy cho biết thêm, đi kèm hiệu ứng lan tỏa, nhiều người biết tới mì tôm thanh long thì đơn hàng bán ra vài ngày qua tăng vọt đến mức bất ngờ. Đơn hàng liên tục được khách đặt, vì vậy, công ty đóng gói không kịp.

Đáng chú ý, trước khi viral, theo nền tảng dữ liệu thương mại điện tử EcomHeat của YouNet ECI, gian hàng CatyFood trên sàn Shopee chỉ có doanh thu khiêm tốn 1,38 triệu đồng trong 30 ngày từ 30/10 đến 28/11/2023.

Nhu cầu tăng đột biến khiến nhà sản xuất là Công ty TNHH Caty Food phải chạy hết công suất mà vẫn không kịp đơn hàng. Các shop bán mì tôm thanh long chỉ dám nhận đặt hàng rồi hẹn từ 5 – 7 ngày sau mới giao cho khách.

2. Dở khóc dở cười khi chạy theo xu hướng​

Nhìn lại thị trường F&B giai đoạn tháng 6, cafe muối và trà mãng cầu là 2 món ăn được các cửa hàng thêm vào menu nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2023. Sức hút của cafe muối mạnh mẽ tới mức có tới 40,1% đơn vị được khảo sát đã thêm vào menu, dù món đồ uống này mới chỉ xuất hiện đầu tháng 04/2023. Tiếp theo sau là món trà mãng cầu, với 34,3% doanh nghiệp F&B thêm món mới này vào menu.

Dù gây sốt mạng xã hội, tuy nhiên trend trà mãng cầu và gỏi gà măng cụt lại không duy trì được nhiệt quá lâu. Các cuộc thảo luận về 2 món ăn này dần giảm sút vào cuối tháng 6 vừa qua.

Anh Trần Hải, chủ quán cà phê Bụi (phường 2, quận 3, TP.HCM), cho biết anh đã thắng đậm với món cà phê muối trong suốt năm tháng liền. Thế nhưng, anh lại thua với cơn sốt trà mãng cầu vì không phù hợp với tệp khách hàng dù đầu tư truyền thông rất nhiều.

Chưa kể, anh còn đang đau đầu khi nóng vội mua nhượng quyền thương hiệu kem, nước giá rẻ chỉ từ 10.000 đồng, do dung lượng thị trường này đang dần trở nên chật chội và những bất đồng về giá bán từ công ty mẹ. Điều này khiến mục tiêu hoàn vốn của anh kéo dài, dòng tiền thu về khó khăn hơn.

“Rõ ràng chạy theo xu hướng, trào lưu không phải lúc nào cũng thắng. Nó tùy thuộc vào độ nhạy của người kinh doanh cũng như sự phù hợp với tệp khách hàng của quán” - anh Hải đúc kết.

Không phải kinh doanh theo trend là thành công

Không phải kinh doanh theo trend là thành công​
Cà phê muối không phải là món đồ uống “made in Vietnam” mà thức uống này vốn đã xuất hiện trên thế giới từ năm 1926, tại Tây Bắc Ethiopia. Ở Việt Nam, cà phê muối được cho là khởi phát tại xứ Huế, do một cặp vợ chồng người địa phương sáng tạo vào năm 2010. Thế nhưng, trong khoảng thời gian nửa năm trở lại đây, món đồ uống thơm ngon, lạ miệng này mới thực sự tạo nên 'cơn sốt' tại các tỉnh thành lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng…

Nhìn thấy tiềm năng khi kinh doanh theo trend, lúc đó cà phê muối còn đang "rần rần" trên mạng xã hội. chị Nguyễn Hằng - 34 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM chi hơn 15 triệu đồng mua nguyên liệu, thiết kế bảng hiệu, xe bán hàng lưu động… rồi thuê thêm mặt bằng nhỏ trên đường Trường Chinh, Q.12, để kinh doanh thức uống này.

"Với mức độ phủ sóng của cà phê muối, tôi hy vọng gần 2 tháng sẽ lấy lại vốn và sau đó sinh lãi", chị Hằng kể.

Đúng như chị Hằng dự đoán, chỉ sau hai tuần mức độ phủ sóng của món cà phê muối tăng nhanh chóng. Nhưng cũng vì thế mà nhiều hàng quán kinh doanh thức uống này cũng xuất hiện khắp nơi.

"Thời gian đầu, doanh thu trung bình gần 700.000 đồng/ngày. Nhưng đến tháng thứ hai, số lượng bán được chỉ dừng ở gần 20 ly/ngày và sau đó ế ẩm kéo dài. Tôi buộc phải trả mặt bằng, thanh lý xe đẩy với giá rẻ, còn những dụng cụ chế biến, nguyên liệu thì đem về nhà…", chị Hằng than thở.

Trào lưu cà phê muối hạ nhiệt, chủ quán ế ẩm

Trào lưu cà phê muối hạ nhiệt, chủ quán ế ẩm​

3. Thử thách khi "bắt trend" ngành F&B​

Ở góc độ nhà nghiên cứu thị trường, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty tư vấn FnB Director, cho rằng dù kinh doanh theo trend giúp nhà kinh doanh tìm kiếm được nguồn tiền ngắn hạn nhưng lại khá rủi ro.

3.1. Thời điểm kinh doanh​

Đầu tiên là thời điểm kinh doanh. Các xu hướng này thường mang tính ngắn hạn, gắn liền với sức nóng của mạng xã hội, sự tò mò của giới trẻ nên khi gia nhập quá trễ, nhu cầu thị trường đi xuống sẽ không đủ khả năng sinh lời hay thu hồi vốn. Các nhà đâu tư cần tính toán cẩn trọng trước khi tham gia vào thị trường, đồng thời lập kế hoạch chi tiết, các khoản dự trù, đầu tư ban đầu, chi phí cố định, máy móc, mặt bằng,... nhằm giảm thiểu rủi ro đến mức tối thiểu.

“Với một xu hướng ngắn hạn thì người kinh doanh cần tham gia càng sớm càng tốt, mà tốt nhất là trong vòng 2-4 tuần từ thời điểm bùng nổ” - ông Thanh khuyến nghị.

Nếu muốn thành công, thời điểm là yếu tố vô cùng quan trọng

Nếu muốn thành công, thời điểm là yếu tố vô cùng quan trọng​

3.2. Tính thời vụ​

Thách thức thứ hai nếu kinh doanh theo trend đến từ đặc tính thời vụ. Người kinh doanh theo xu hướng sẽ khó tìm được tệp khách hàng trung thành với thương hiệu, bởi lẽ khách hàng chỉ thử vì hiếu kỳ theo đám đông. Đây cũng là lý do mà nhiều thương hiệu lớn không mặn mà với những xu hướng mới nổi, chưa kể khi bán các sản phẩm thời vụ, họ khó vận hành trên một hệ thống quy mô lớn. Nếu một trend hạ nhiệt sớm, nhà đầu tư có thể không kịp hồi vốn và sinh lời nếu khoản đầu tư ban đầu quá cao.

3.3. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm​

Thách thức thứ ba và cũng lớn nhất, theo ông Thanh là ở khía cạnh an toàn thực phẩm. Bởi nhiều người đổ xô kinh doanh theo trend là cá nhân đơn lẻ, ít được đào tạo chuyên môn về an toàn thực phẩm, có thể gây rủi ro cho xã hội nếu xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

“Chính vì thế, người kinh doanh khi tham gia xu hướng cần xác định các thách thức để tìm ra cơ hội cho chính mình. Theo tôi, một số xu hướng mang tính “mì ăn liền” chỉ có thể trở thành mô hình có tính ổn định khi có các nhà đầu tư lớn tham gia để tiếp tục duy trì nhận diện và có ngân sách để tiếp cận thị trường trong thời gian dài 2-3 năm” - ông Thanh nói.

Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề đáng lưu tâm

Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề đáng lưu tâm​

4. Bài học rút ra khi kinh doanh theo trend​

Thực tế, từ đầu năm đến nay, thị trường F&B chứng kiến hàng loạt sản phẩm gây bão lần lượt ra đời như: Bánh mì thanh long, cà phê muối, gỏi gà măng cụt, trà mãng cầu, bánh đồng xu phô mai... Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, những cửa tiệm kinh doanh các món này rơi vào cảnh "sớm nở tối tàn”. Có thể thấy, cùng sự phát triển của mạng xã hội, những món ăn rất dễ trở thành phong trào, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đều dần hạ nhiệt. Và việc kinh doanh theo trào lưu có thể kiếm lời rất nhanh nhưng không phải ai cũng thành công.

Theo ThS Trần Anh Tuấn, điều quan trọng trong kinh doanh là đổi mới sáng tạo, không chỉ dừng ở sản phẩm mà còn là đổi mới tư duy, đổi mới vận hành doanh nghiệp, đổi mới quy trình và đổi mới quan hệ với khách hàng.

Ông Tuấn nhấn mạnh: “Người kinh doanh nên tạo ra nét riêng cho mình, chẳng hạn đa dạng hình thù với sản phẩm đang gây hot hoặc biến các món ăn đường phố gắn liền với yếu tố sức khỏe”.

Trong khi đó, dưới góc độ kinh doanh, ông Hoàng Tùng lại gợi ý tìm cơ hội kinh doanh sản phẩm hot trend ở các khu vực ngoại ô thành phố, tỉnh lẻ. Bởi những sản phẩm này đã có sự thành công nhất định ở thành phố lớn, có nghĩa là bản thân món ăn đó, đồ uống đó đã có một sức hút và nhờ vào sức ảnh hưởng của mạng xã hội, các khu vực tỉnh lẻ đều biết đến.

“Tuy vậy, cần xem xét sản phẩm đó thuộc trend ngắn hay dài, mức đầu tư bao nhiêu. Bởi có nhiều mô hình là hot trend ở thành phố có mức đầu tư lớn nhưng mang về tỉnh không thành công, vì chi phí đầu tư cao mà giá thành bán ra phải thấp, phù hợp với mức thu nhập tại địa phương” - ông Tùng phân tích.

Có thể nói, để duy trì và phát triển lâu dài, người kinh doanh buộc phải chủ động tạo ra sản phẩm gây sự tò mò, có chất riêng làm cho khách hàng thích thú sau khi sử dụng. Do đó, muốn thành công thì phải biết thẩm định xu hướng đó kéo dài bao lâu. Đồng thời, hãy chọn những trào lưu tạo ra giá trị vượt trội, mang lại lợi ích vật chất, rõ ràng cho người tiêu dùng.

Trên đây là bài viết nhìn lại những xu hướng kinh doanh ngành F&B trong năm 2023, hy vọng các nhà đầu tư có thể đánh giá được những lợi ích và rủi ro khi quyết định kinh doanh theo trend.
 
×
Quay lại
Top